Thông Tin Liên Hệ

Địa chỉ: 100/5 khu nhà ở Hạnh Phúc, khóm 2, phường 3, Vĩnh Long

Liên hệ trực tiếp qua:

1. Lừa đảo qua mạng là gì?

Lừa đảo qua mạng (cyber scam) là hành vi lợi dụng internet để thực hiện các hoạt động gian lận, lấy cắp thông tin cá nhân, hoặc lừa gạt tiền bạc của người khác. Thông qua các hình thức tinh vi, tội phạm công nghệ cao đã và đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc sự cả tin của người dùng để thực hiện những hành vi phi pháp này.

Để hiểu rõ hơn, lừa đảo qua mạng là việc các tội phạm công nghệ cao giả danh là người thân, tổ chức uy tín hoặc thậm chí là cơ quan chức năng để tạo lòng tin. Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, kẻ gian thường yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho chúng.

lừa đảo qua mạng là gì
Hacker mũ đen chuyên thực hiện những cuộc tấn công mạng mang tính vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức vì những mục đích xấu.

2. Những đối tượng dễ trở thành nạn nhân của những chiêu trò này?

Nạn nhân củanhững chiêu trò lừa đảo qua mạng rất đa dạng, từ người già đến thanh niên, từ người có ít kiến thức về công nghệ đến những người thường xuyên sử dụng internet. Dưới đây là một số nhóm người thường dễ bị lừa đảo qua mạng:

  • Người cao tuổi: Đây là nhóm dễ bị tấn công nhất do thiếu kiến thức về công nghệ và thường không có nhiều kinh nghiệm xử lý các tình huống trực tuyến.
  • Thanh niên và người trẻ tuổi: Mặc dù có kiến thức về công nghệ, nhưng vì thiếu kinh nghiệm và có xu hướng chia sẻ thông tin cá nhân rộng rãi trên mạng xã hội, nhóm này cũng dễ trở thành mục tiêu của các chiêu trò lừa đảo.
  • Người kinh doanh trực tuyến: Những người này dễ trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo liên quan đến thanh toán, hàng hóa, hoặc thông tin khách hàng.
  • Người sử dụng dịch vụ trực tuyến: Những người thường xuyên giao dịch qua internet, từ mua sắm, thanh toán hóa đơn, đến sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đều có nguy cơ bị lừa đảo nếu không cẩn thận.

3. Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay

Lừa đảo qua mạng đang ngày càng trở nên phổ biến với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet. Các tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn, sử dụng nhiều phương thức lừa đảo khác nhau để chiếm đoạt tài sản hoặc thông tin cá nhân của người dùng. Dưới đây là một số hình thức lừa đảo qua mạng mà bạn cần cảnh giác:

3.1. Lừa gạt tình cảm để chiếm đoạt tài sản

Đây là một trong những hình thức lừa đảo qua mạng xã hội phổ biến. Những kẻ lừa đảo thường tạo ra các hồ sơ giả mạo trên mạng xã hội, xây dựng mối quan hệ tình cảm với nạn nhân và tạo lòng tin trước khi yêu cầu chuyển tiền hoặc tài sản.

lừa đảo qua mạng xã hội
Hẹn hò qua mạng và những nguy cơ tiềm ẩn.

3.2. Cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake

Công nghệ Deepfake đã trở thành công cụ mới cho tội phạm công nghệ cao. Những kẻ này sử dụng công nghệ này để tạo ra các cuộc gọi giả mạo, khiến nạn nhân tin rằng họ đang nói chuyện với người thân hoặc bạn bè và yêu cầu chuyển tiền.

3.3. Cuộc gọi thông báo về tai nạn khẩn cấp

Một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến là các cuộc gọi báo tin giả rằng người thân bị tai nạn và cần chuyển tiền gấp để nhập viện. Những kẻ lừa đảo này thường tạo ra tình huống căng thẳng để nạn nhân không kịp suy nghĩ và nhanh chóng thực hiện chuyển tiền.

3.4. Công việc tại nhà với mức lương cao

Lừa đảo công việc tại nhà là một hình thức khác mà nhiều người đã trở thành nạn nhân. Những kẻ lừa đảo đưa ra các lời mời công việc với mức lương hấp dẫn, yêu cầu người tìm việc đóng một khoản phí để nhận việc làm hoặc cung cấp thông tin cá nhân và sau đó biến mất.

3.5. Giả danh công an hoặc cán bộ nhà nước

Một số kẻ lừa đảo tự xưng là công an, cán bộ nhà nước, hoặc nhân viên các cơ quan pháp luật gọi đến yêu cầu nạn nhân nộp tiền phạt hoặc phối hợp điều tra một vụ án. Họ sử dụng các thông tin chi tiết và giọng điệu uy hiếp để gây áp lực cho nạn nhân.

3.6. Giả danh nhân viên ngân hàng

Đây là một hình thức lừa đảo phổ biến khác. Những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo về các khoản nợ chưa thanh toán hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để “giải quyết vấn đề”.

3.7. Giả danh nhà mạng

Những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện báo khóa sim hoặc nợ cước, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản tiền không tồn tại.

3.8. Tham gia đầu tư online

Lừa đảo đầu tư online cũng là một trong những chiêu trò phổ biến. Những kẻ lừa đảo tạo ra các trang web đầu tư giả mạo, hứa hẹn lợi nhuận cao để thu hút nạn nhân đầu tư tiền vào, sau đó chiếm đoạt số tiền đó.

3.9. Gửi link giả để đánh cắp thông tin

Kẻ lừa đảo gửi các đường link giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân của nạn nhân. Khi nạn nhân click vào các đường link này, họ có thể bị hack tài khoản Zalo, Facebook,… do trong những đường link này có chứa virus và những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng các tài khoản này để nhắn tin mượn tiền bạn bè của nạn nhân.

tội phạm công nghệ cao
Những kẻ phạm tội đang tìm cách tấn công vào các thông tin cá nhân như email, tài khoản mạng xã hội, ngân hàng,.. và những thông tin quan trọng khác của người dùng.

>>>Xem thêm: Virus Máy Tính Là Gì? Lịch Sử, Tiến Hóa và Tác Động

3.10. Thông báo trúng thưởng hoặc nhận tiền, tài sản có giá trị lớn

Một trong những chiêu trò lừa đảo qua mạng là thông báo trúng thưởng giả mạo. Những kẻ lừa đảo sẽ gửi thông báo qua email hoặc tin nhắn yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân hoặc trả một khoản phí để nhận thưởng.

3.11. Nhận quà từ người quen qua mạng ở nước ngoài

Một số kẻ lừa đảo giả danh là người quen của nạn nhân, sống ở nước ngoài và yêu cầu giúp đỡ nhận quà hoặc chuyển tiền. Họ thường tạo ra câu chuyện đầy xúc động để lấy lòng tin của nạn nhân.

3.12. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng

Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng là một chiêu trò phổ biến khác. Kẻ lừa đảo giả vờ chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của nạn nhân và sau đó liên lạc để yêu cầu hoàn trả số tiền đó, thường là vào một tài khoản khác để che dấu hành vi phạm tội.

3.13. Chiếm đoạt thông tin thông qua phần mềm độc hại

Kẻ lừa đảo sử dụng các phần mềm chứa mã độc để chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng. Các phần mềm này thường được ngụy trang dưới dạng các file tài liệu như file nén, file pdf, file doc, hoặc các đường link quà tặng, app giả mạo.

3.14. Bán thuốc, thần dược không được cấp phép

Một số kẻ lừa đảo qua mạng sử dụng chiêu trò bán các loại thuốc hoặc thần dược không được cấp phép với các lời quảng cáo “nhà tôi 3 đời…” để lừa người mua. Hậu quả là “tiền mất tật mang”, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

3.15. Giúp lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng xã hội

Có những kẻ lừa đảo lại sử dụng chính nỗi lo của người đã bị lừa để lừa đảo tiếp. Họ tự xưng là người có thể giúp lấy lại tiền hoặc tài sản đã mất, yêu cầu nạn nhân trả một khoản phí dịch vụ trước khi “giúp đỡ”.

3.16. Tuyển cộng tác viên bán hàng

Các kẻ lừa đảo tạo ra các thông tin tuyển cộng tác viên bán hàng với mức hoa hồng cao, yêu cầu ứng viên nộp một khoản phí tham gia, sau đó biến mất sau khi nhận tiền.

3.17. Chuyển tiền làm từ thiện

Chiêu trò này nhắm đến lòng từ thiện của người dùng mạng xã hội. Những kẻ lừa đảo tạo ra các trang hoặc bài viết kêu gọi quyên góp tiền từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn, nhưng thực chất là để chiếm đoạt số tiền này.

3.18. Mạo danh công ty tài chính cho vay tiền với lãi suất thấp

Những kẻ lừa đảo giả danh các công ty tài chính uy tín để cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp. Họ yêu cầu nạn nhân nộp một khoản phí bảo đảm hoặc cung cấp thông tin cá nhân trước khi giải ngân, sau đó biến mất.

3.19. Cảnh báo lừa đảo dẫn dụ truy cập website qua WiFi miễn phí

Các trang web lừa đảo thường được quảng cáo thông qua các điểm WiFi miễn phí tại các quán cà phê, công viên, hoặc nơi công cộng. Khi người dùng truy cập vào những điểm WiFi này và nhấp vào các đường link không an toàn, họ có thể bị chuyển hướng đến các trang web lừa đảo.

4. Biện pháp phòng tránh lừa đảo qua mạng? Làm gì khi bị lừa đảo?

Để phòng ngừa lừa đảo qua mạng, người dùng cần nâng cao kiến thức và cảnh giác khi sử dụng internet. Dưới đây là một số biện pháp hữu ích:

  • Không bắt máy, gọi lại các số lạ, đầu số quốc tế.
  • Khi nhận được số tiền từ tài khoản lạ không được sử dụng số tiền đó và không đươc chuyển lại tài khoản đó mà hãy đến ngay ngân hàng để giải quyết.
  • Tuyệt đối không được đăng tải hoặc cung cấp các thông tin cá nhân cho người lạ hoặc để công khai trên các nền tảng mạng xã hội.
  • Thận trọng khi truy cập vào những đường link lạ, khả nghi từ người lạ hoặc từ những người quen (biết đâu họ bị hack tài khoản).
  • Không tin vào những phần thưởng từ những tin nhắn hay số điện loại lạ báo đến.
  • Không được chuyển tiền hay nạp thẻ vào tài khoản dù là người thân hay bạn bè.
  • Nói không với việc tham gia vào các sàn giao dịch đầu tư tiền ảo, tài chính tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
  • Tăng cường bảo mật thông tin cá nhân: tạo mật khẩu nhiều ký tự đặc biệt, chữ cái in hoa, số. Xác thực 2 lớp bảo mật cho mọi tài khoản.
cảnh báo lừa đảo qua mạng
Những kẻ hacker đang cố gắn truy cập vào những thiết bị của người dùng.

Nếu bạn đã bị lừa đảo, hãy thực hiện ngay các bước sau:

  • Liên hệ ngay với ngân hàng: Nếu thông tin tài khoản hoặc thẻ tín dụng của bạn đã bị lộ, hãy liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản hoặc thẻ.
  • Báo cáo cho cơ quan chức năng: Gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để họ điều tra và xử lý.
  • Thay đổi mật khẩu và kiểm tra bảo mật: Thay đổi mật khẩu cho tất cả các tài khoản trực tuyến và kiểm tra các cài đặt bảo mật để đảm bảo an toàn.
  • Cảnh báo cho mọi người: Cảnh báo cho gia đình, bạn bè, và cộng đồng về các chiêu trò lừa đảo mà bạn đã gặp phải để họ cảnh giác hơn.

5. Những bài học thực tế

Bài học đắt giá của bà H

Bà H. (sinh năm 1975, sống tại huyện Hóc Môn) là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Qua một ứng dụng kết bạn trực tuyến, bà đã gặp và kết thân với một người đàn ông tên là Mayvvss R. Raut. Người này tự nhận mình là một quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ tại Syria. Sau một thời gian dài trao đổi qua lại, hai người đã nảy sinh tình cảm và tin tưởng lẫn nhau.

Đến đầu tháng 3 năm 2020, Mayvvss R. Raut thông báo với bà H. rằng ông sẽ gửi cho bà một thùng quà từ Syria, bên trong chứa 700.000 USD. Để tạo thêm lòng tin, ông khẳng định số tiền này là toàn bộ lương hưu của mình, được dành để dưỡng già. Ông còn hứa hẹn sẽ về Việt Nam để làm đám cưới với bà H., cùng nhau xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.

Ngày 3 tháng 3, bà H. nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ, xác nhận rằng bà có một thùng quà được gửi từ Syria. Người này yêu cầu bà H. phải chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân để hoàn tất thủ tục nhận hàng. Tưởng rằng mọi thứ đang diễn ra thuận lợi, bà H. đã thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên, vào buổi chiều cùng ngày, người phụ nữ lại thông báo rằng thùng hàng đã bị hải quan sân bay giữ lại và yêu cầu bà H. phải thanh toán thêm các khoản thuế, phí, và tiền “lót tay” để giải phóng hàng.

Trong những ngày tiếp theo, với niềm tin sẽ nhận được thùng quà trị giá 700.000 USD, bà H. đã chuyển khoản tổng cộng 12 lần, với số tiền lên đến 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển hết số tiền trong tài khoản cho hai cá nhân đứng tên tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, bà H. bắt đầu nghi ngờ mình đã bị lừa. Bà cố gắng liên hệ lại với Mayvvss R. Raut, nhưng tài khoản của ông này đã bị khóa. Nhận thấy mình đã rơi vào bẫy của một vụ lừa đảo qua mạng xã hội, bà H. lập tức đến cơ quan công an để trình báo.

Bài học đắt giá từ một thanh niên thị xã Cai Lậy

Tại thị xã Cai Lậy, một thanh niên đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trúng thưởng. Giấu vợ con, anh lén lút nạp 20.000.000 đồng vào một tài khoản lạ với hy vọng nhận được giải thưởng “hấp dẫn” gồm 200.000.000 đồng tiền mặt và một chiếc xe máy trị giá 45.000.000 đồng.

Anh kể lại rằng, vào một ngày cuối tháng 6 năm 2018, anh nhận được cuộc gọi từ một người lạ thông báo rằng anh đã trúng thưởng một số tiền lớn và một chiếc xe máy. Để nhận thưởng, anh được yêu cầu phải nộp một khoản phí “nhận thưởng”. Tin tưởng vào lời nói của đối tượng, anh đã vội vã chuyển tiền theo hướng dẫn mà không kiểm tra tính xác thực của thông tin.

Tuy nhiên, sau khi nạp tiền, anh bắt đầu nghi ngờ mình đã bị lừa đảo. Lo lắng, anh đến cửa hàng Viettel để kiểm tra thì mới tá hỏa phát hiện ra rằng mình đã bị lừa.

Qua 2 câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ sự nguy hiểm và tinh vi của các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội. Việc cảnh giác và thận trọng với các hoạt động trực tuyến là vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro không đáng có và luôn cảnh giác với những lời mời gọi không rõ nguồn gốc. Để tránh việc rơi vào bẫy của kẻ gian và trở thành những nạn nhân không mong muốn.

6. Kết luận

Lừa đảo qua mạng là mối đe dọa ngày càng phức tạp và nguy hiểm trong thời đại số hóa. Việc nắm rõ các hình thức lừa đảo phổ biến và cách phòng tránh là vô cùng quan trọng để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân. Hãy luôn cảnh giác, không chia sẻ thông tin nhạy cảm với người lạ, và thường xuyên cập nhật kiến thức về an ninh mạng. Chỉ có sự cẩn trọng và hiểu biết mới giúp bạn tránh khỏi những cạm bẫy tinh vi trên mạng.

5/5 - (1 bình chọn)
Share:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *